Trò chuyện ảnh gia đầu tiên mang phong cách chụp ảnh trẻ sơ sinh về Việt Nam

Gặp nhiếp ảnh gia đầu tiên mang phong cách chụp ảnh newborn về Việt Nam

Chị Jenny Hạnh (nhiếp ảnh gia gốc Việt, hiện sinh sống tại Ý) là người có nhiều trải nghiệm trong việc chụp ảnh trẻ sơ sinh, bởi chị là nhiếp ảnh gia đầu tiên thử nghiệm phong cách chụp ảnh newborn tại Việt Nam.

Chụp ảnh newborn (ảnh trẻ sơ sinh) hiện đang là một trào lưu tại Việt Nam. Trước đó, việc chụp ảnh trẻ sơ sinh vài ngày tuổi là khái niệm khá xa lạ với các phụ huynh, và thực tế thì các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chụp theo phong cách này. Mạng xã hội phát triển đồng nghĩa với việc nhiều bố mẹ trẻ tiếp cận được với những phong cách chụp ảnh cho con đa dạng và phong phú hơn. Chụp ảnh new born cũng được nhiều phụ huynh mạnh dạn lựa chọn để ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của bé từ khi mới sinh. Chị Jenny Hạnh (nhiếp ảnh gia gốc Việt, hiện sinh sống tại Ý) là người có nhiều trải nghiệm trong việc chụp ảnh new born, bởi chị là nhiếp ảnh gia đầu tiên thử nghiệm phong cách chụp ảnh newborn tại Việt Nam.

-Chào nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh, chị đến với nghề nhiếp ảnh ra sao, thời gian đầu chị chụp gì?

Mình là Jenny Hạnh, năm nay 35 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại đảo Sardinia - Italy.

Cách đây 9 năm mình có cơ hội đi du lịch châu Âu một mình, bạn mình cho mượn một máy ảnh bán chuyên nho nhỏ, khi đó lần đầu tin được cầm vào một chiếc máy ảnh có phần phức tạp mình rất bối rối. Bạn mình dành một buổi cafe để chỉ cho mình những thao tác cơ bản nhất. Chuyến đi đó mình đã lang thang một mình mấy nước Châu Âu và hành trang mang về đầy ắp những bức ảnh.

Kể từ đó mình bắt đầu mê chụp ảnh và ghi lại những khoảng khắc đẹp trong cuộc sống. Mình đã phải tiết kiệm một thời gian để có thể tự sắm cho mình chiếc máy ảnh đầu tiên, thời gian đầu mình chụp con gái mình, chụp hoa lá cỏ cây và chụp cho bạn bè. Một lần tình cờ đi chụp ảnh cưới cho bạn ở đảo Cô tô, mình đã được bạn mình tin tưởng hoàn toàn mà nghe theo mình “chỉ đạo” từ concept đến tạo dáng. Bộ ảnh đó mình post lên một diễn đàn nhiếp ảnh và được nhiều lời khen ngợi. Khách hàng đầu tiên liên lạc với mình cũng chính từ diễn đàn này khi tình cờ xem được bộ ảnh của mình, từ đó mình bén duyên với nghề nhiếp ảnh.

- Điều gì đã mang chị đến với phong cách chụp ảnh new born?

5 năm đầu tiên mình chủ yếu chụp cưới và mẫu thời trang ở Việt Nam. Sau khi kết hôn với chồng mình là người Ý thì mình theo chồng sang Ý. Thời gian đầu mới hoà nhập thật khó khăn vì rào cản ngôn ngữ, mình không thể kiếm việc được ngay khi mà bên mình thợ ảnh cưới cũng khá nhiều trong một thành phố nhỏ. Mình mất 2 năm để tạo dựng mối quan hệ, tạo thương hiệu song song việc học ngôn ngữ để có thể giao tiếp với khách hàng. Dần dần mình cũng có chỗ đứng và có tên tuổi trong ngành ảnh cưới ở thành phố mình.

Nhưng khi mình mang bầu bé thứ 2, việc đi lại và chụp cưới quá vất vả và mất nhiều thời gian, mình quyết định hướng về mảng chụp baby để có thể có nhiều thời gian dành cho gia đình và tự chủ được thời gian làm việc của mình. Hàng ngày mình xem trên internet rất nhiều hình ảnh các bé sơ sinh đáng yêu như thiên thần khiến mình quyết tâm trở thành thợ ảnh chụp newborn.

Lúc đó thành phố mình chưa có ai chụp ảnh new born nên mình càng quyết tâm trở thành người tiên phong trong linh vực này ở đây. Tính mình đã quyết tâm và làm điều gì mình đam mê là mình sẽ làm cho bằng được. Mình tham khảo một số giáo viên dạy workshop qua nhiều kênh học online, tự nghiên cứu trên youtube và đọc rất nhiều tài liệu về nhiếp ảnh newborn, đặc biệt về an toàn cho bé. Mình đăng ký tham gia một khoá học về an toàn cho trẻ sơ sinh của hội bà mẹ trẻ em của thành phố tổ chức hàng tuần để hiểu về cơ thể, nhịp sinh học của bé, cách bế bé và xử lý khi có sự cố ngoài ý muốn.

Thời gian mang bầu mình được 2-3 khách hàng tin tưởng cho mình thực hành “thử nghiệm” chụp newborn cho con họ sau khi nghe mình giới thiệu về nghệ thuật nhiếp ảnh newborn. Khách hàng bên mình họ đều biết đến Anna Geddes nhiếp ảnh gia người Úc người mở đầu cho phong trào chụp ảnh newborn 20 năm trước, nên khi nghe mình thuyết phục họ rất hứng thú. Sau 3 bé đầu tiên mình chụp “thử nghiệm” từ những kiến thức mình học được từ nhiều nguồn, mình đã khá tự tin để chụp cho bé nhà mình khi mới 10 ngày tuổi. Vì mình mới sinh rất mệt nên mình cũng chỉ có được vài bức ảnh đẹp cho bé. Nhưng nhờ có bé mà mình có thêm nhiều kinh nghiệm với trẻ sơ sinh như bế ẵm và hiểu được nhịp sinh học của các bé, các bé muốn gì và không muốn gì.


Thời gian đầu chị Jenny hay chụp con gái mình.

-Sau khi thử chụp newborn chị thấy chủ đề này có gì khác so với lĩnh vực chị từng theo đuổi?

Chụp newborn rất khác biệt, mình có thể tự chủ được thời gian so với việc chụp ảnh cưới bên mình là phải làm việc theo lịch của khách hàng. Chụp ảnh cưới thì stress vì là ảnh sự kiện không được bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào, thời gian chụp một đám cưới bên mình là 11-12 tiếng.

Chụp newborn thì kéo dài trong khoảng 3-4 tiếng. Thời gian đầu mình cũng stress vì mỗi buổi chụp khá căng thẳng, nhiều bé bị colic (dạ đề) khóc quấy cũng khó chụp thành công. Chụp newborn cần có sự tự tin và kinh nghiệm nên như mình đã nói ở trên nhờ có bé nhà mình mà mình có rất nhiều kinh nghiệm dỗ bé và bế bé để bé cảm thấy yên tâm trên tay mình. Tóm lại sự khác biệt lớn nhất giữa việc chụp cưới và chụp newborn là đối tượng làm việc khác nhau, không gian khác nhau và đòi hỏi kinh nghiệm và sự tương tác hoàn toàn khác nhau.

-Chị được biết đến là người đầu tiên mang phong cách chụp ảnh newbornvề Việt Nam, thời gian đó khoảng năm bao nhiêu, chị đã chụp cho những bé đầu tiên ở Việt Nam như thế nào?

Mình không dám tự nhận là người đầu tiên mang phong cách chụp ảnh newborn về Việt Nam, nhưng là người đầu tiên mở lớp dạy về chụp ảnh newborn bài bản và đúng nghĩa ở Việt Nam thì đúng là mình (Cười).

Tháng 1/2016 mình mở workshop đầu tiên dạy chụp ảnh newborn tại Hà Nội. Khi đó rất may mắn mình gặp được Trang Phạm (cô chủ nhỏ của ID station) đã nhiệt tình giúp đỡ về mọi mặt như địa điểm, đạo cụ và giúp mình set up studio đủ tiêu chuẩn chụp newborn. Do mình có portfolio với nhiều những bức ảnh chụp newborn từ Ý nên không khó khăn lắm khi mình tuyển người mẫu nhí.

... và thành quả.

Các mẹ khi xem ảnh mình chụp đã hoàn toàn tin tưởng và đăng ký đem các bé đến làm mẫu trong workshop của mình. Mình khá bất ngờ vì 6 mẹ đăng ký thì cả 6 mẹ và bé đều đến rất đúng hẹn. Có mẹ còn được bà ngoại đưa đi chụp, sau đó workshop trong SG của mình có bé có ông ngoại đưa đi cùng. Mình đã rất ngạc nhiên khi các ông bà không hề gây sức ép gì với mình trong buổi chụp, thậm chí đứng từ xa ngắm và hỗ trợ mẹ bé nếu cần. Có bà ngoại còn mang đến mũ, áo bà tự móc cho cháu cưng để cô Jenny chụp ảnh.

- Những phụ huynh đi chụp cho bé phản ứng thế nào về phong cách chụp newborn? Chị giải thích cho họ ra sao?

Thường thì khi nhận chụp cho bé mình sẽ gửi thư hoặc tin nhắn tư vấn trước để khách hàng hình dung về một buổi chụp sẽ diễn ra như thế nào, họ cần chuẩn bị những gì và chuẩn bị tâm lý ra sao nên khi gặp nhau giữa mình và khách hàng đã khá hiểu nhau và họ cũng hoàn toàn tin tưởng mình để cho mình thoải mái tác nghiệp.

Duy có 1 lần chụp tại nhà một khách hàng ở Việt Nam lúc đầu buổi chụp có bà ngoại đến thăm bé và có bày tỏ ý ái ngại khi mình tạo dáng bé, mình đã trấn an bác ấy rằng "bác yên tâm cháu đã được học về an toàn cho trẻ sơ sinh, cháu học trong bệnh viện và có chứng chỉ hẳn hoi ạ". Nghe vậy bác ấy đã yên tâm hơn và để cho mình tác nghiệp không nói thêm gì, tuy nhiên mình cũng khéo léo chuyển bé sang phòng khác lấy cớ là cần không gian riêng cho bé và cũng để mình không bị ảnh hưởng tâm lý trong buổi chụp.

Sau lần đó mình thường dặn các mẹ là trong trường hợp mình đến nhà phải làm công tác tư tưởng trước với ông bà hoặc chuẩn bị cho mình một phòng riêng để mình tiện làm việc. Trong trường hợp không thể có phòng riêng mình gợi ý hoặc chụp vào buổi nào đó mà bố mẹ không hẹn ai đến thăm, hoặc bố mẹ mang bé đến studio ID station nơi đủ tiêu chuẩn phòng chụp cho newborn.
Chụp ảnh newborn gặp một trở ngại nho nhỏ là tâm lí của ông bà nội ngoại rất lo lắng cho việc chụp ảnh cho bé khi cháu còn quá nhỏ, chỉ mới vài ngày tuổi.

- Sau đó làm cách nào để chị phát triển được lĩnh vực chụp ảnh newborn tại Việt Nam?

Mình cũng biết có rất nhiều bạn nhiếp ảnh gia trẻ hoặc mới bước vào bộ môn này ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng và gia đình khách hàng. Khi dạy mình cũng được các bạn học viên tâm sự về sự khó khăn này, lời khuyên của mình cho các bạn là thời gian đầu các bạn nên chụp cho bạn bè người thân để có thật nhiều kinh nghiệm, tham khảo những khoá học online và có điều kiện thì tham gia workshop trực tiếp để tự tin hơn trong việc bế bé và dỗ bé cũng như tạo dáng. Khách hàng họ rất tinh ý, chỉ cần nhìn mình bế bé tự tin, nhiều kinh nghiệm là họ đã rất tin tưởng mình rồi. Thêm nữa khi có portfolio đẹp thì khách hàng sẽ càng đặt niềm tin vào mình hơn nữa.

Thực ra từ trước khi mình dạy lớp đầu tiên (khoảng 2015-2016) thì đã có một số ảnh viện tại Tp HCM và Hà Nội cũng bắt đầu nhen nhóm chụp ảnh newborn nhưng khi mình nhìn ảnh mình nhặt được rất nhiều sạn như ánh sáng đa số kiểu “sáng mặt ăn tiền”, đa phần dùng nhiều đạo cụ, cho bé nằm trong sô, giỏ mà không tạo dáng sao cho trông bé pose mà như không pose. Nên mình tự nhiên nảy ra ý định tại sao mình không mở lớp dạy chụp ảnh newborn cho các bạn muốn đi theo hướng chuyên nghiệp và bài bản ngay từ đầu. Phần vì cũng muốn thay đối định hướng ảnh newborn tại Việt Nam.
Một bé gần 2 tháng tuổi nhưng đã có tư thế tạo dáng rất đáng yêu, ảnh do học viên của chị Jenny chụp.

Từ 1/2016 đến nay mình đã dạy được 5 khoá học và mình rất tự hào vì những học viên đã tham gia khoá học ngày càng phát triển và đi đúng hướng. Ảnh newborn Việt Nam thực sự thay đổi chóng mặt trong đúng một năm gần đây, các bạn đã có tư duy và định hướng rất tốt. Thật sự nếu nhìn vào những bức ảnh các học viên ưu tú của mình chụp thì không kém cạnh gì so với các nhiếp ảnh gia phương Tây cả.

Thời gian đầu sau khi dạy thì mình lập group cho tất cả các học viên cùng giao lưu chia sẻ, nhưng sau đó nhận thấy nhu cầu học hỏi, giao lưu về ảnh newborn ngày càng cao mà không phải bạn nào cũng có đủ điều kiện để theo học workshop của mình nên mình quyết định lập nhóm dành cho cộng đồng chụp ảnh newborn tại Việt Nam. Mình cũng bất ngờ khi mỗi ngày nhận được rất nhiều request xin vào nhóm với nguyện vọng được giao lưu học hỏi về bộ môn mới mẻ này.

Từ khi có group mình cảm thấy rất vui vì đã đem lại một cơ hội cho cộng đồng nhiếp ảnh newborn tại Việt Nam kết nối được với nhau. Group Facebook của chúng mình hiện đang hoạt động rất sô nổi, chúng mình chia sẻ với nhau hàng ngày những bức ảnh đẹp và chưa đẹp, ai cũng mong nhận được góp ý của mọi người để tiến bộ hơn. Chúng mình cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong nghề. Với tư cách là một người trong ban quản trị group mình sẽ cố gắng duy trì group phát triển theo hướng tích cực nhất nhằm thay đổi định hướng về ảnh newborn tại Việt Nam. Mình tin rằng, với sự nhanh nhạy và ham học hỏi của các nhiếp ảnh gia Việt Nam, trong tương lai gần nhiếp ảnh newborn tại Việt Nam sẽ thay đổi và plát triển không kém gì các nước phương Tây.

- Hiện tại chị có studio ở Việt Nam không?

Hiện tại mình chưa có studio ở Việt Nam, mỗi khi về Việt Nam mình chỉ tác nghiệp tại ID station nơi mà với mình giờ như là ngôi nhà thứ 2, mình luôn tìm thấy sự thoải mái khi làm việc tại đây. Trong tương lai gần mình sẽ mở 1 studio đủ tiêu chuẩn chụp newborn tại tp HCM.

- Có nhiều trào lưu chụp ảnh xuất hiện ồ ạt ở nước ta, sau đó môt thời gian thì thợ nào cũng chụp theo hướng “copy”, không có bản sắc riêng. Theo chị để trở thành một tay máy “cứng” khi nhìn bức ảnh là người xem nhận ra tác phẩm của họ, người làm nhiếp ảnh cần những yếu tố gì?

Đây đúng là yếu điểm của người Việt Nam, hình thành phong trào rất nhanh và “copy” rất nhanh, rồi làm ảnh công nghiệp, cùng đưa nhau đi xuống. Newborn photography bản thân nó là một bộ môn nhiếp ảnh khó và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như sự tinh tế, ở nước ngoài được gọi là một dịch vụ sang trọng (luxury) nhưng ở Việt Nam rất nhiều thợ ảnh không tự trân trọng công sức của chính họ mà đang đưa nghệ thuật nhiếp ảnh này theo hướng công nghiệp.
Theo chị Jenny, việc các studio chụp hàng loạt bối cảnh giống nhau sẽ làm mất đi sự sáng tạo và thậm chí mất đi những khách hàng tiềm năng.

Họ chụp hàng loạt những bối cảnh giống nhau, và giảm giá liên tục câu khách. Mình biết có những studio nhận chụp 5-6 bé cùng một buổi, mỗi bé một góc, bé này chụp xong góc này sẽ chuyển sang góc khác, bé tiếp theo chụp lại cũng y xì một bối cảnh, một set up như vậy. Và cứ như vậy, ảnh của họ dĩ nhiên không có bản sắc riêng, và họ không thể nào có lượng khách hàng tốt, tiềm năng hơn.

Các bạn học viên học mình cũng rất trăn trở vấn đề này, mình thường động viên các bạn cứ vững tin, dù ở thị trường nào nếu các bạn làm tốt và có tâm thì cũng sẽ có chỗ đứng của mình. Một ngày trong thành phố có hàng trăm đứa trẻ ra đời, nếu như bạn xây dựng được thương hiệu tốt thì chắc chắn khách hàng sẽ tự tìm đến bạn.

Để trở thành một tay máy “cứng” khi nhìn bức ảnh là người xem nhận ra tác phẩm của họ thì người chụp phải không ngừng sáng tạo nhưng phải có hệ thống theo một phong cách đặc trưng. Nói dễ hiểu hơn là concept có thể sáng tạo nhiều ý tưởng khác nhau, nhưng chất lượng hay nước ảnh, nghệ thuật tạo dáng phải luôn giữ vững phong độ. Người chụp không cần phải tạo ra hàng nghìn những bức ảnh với tone màu khác nhau bởi như vậy khách hàng sẽ không nhận ra được phong cách riêng của người chụp nữa.

-Trào lưu chụp ảnh newborn thuở “sơ khai” cho đến giờ đã có nhiều thay đổi, chị cập nhật những xu hướng đó ra sao để không bị “tụt hậu”?

Cách đây gần 20 năm nhiếp ảnh gia người Úc là Anna Geddes đã cho ra đời những bức ảnh newborn đầu tiên, cảm hứng của chị là thiên nhiên, hoa lá cây cỏ, chị thường có đội ngũ làm đạo cụ đặc biệt như những bông hoa cỡ bự, hay những bộ cánh đáng yêu hình ong, bướm hay thú cưng cho các bé. Mỗi một bức ảnh của chị đều mang đến một câu chuyện nhỏ. Những năm 80-90 là thời hoàng kim của chị bởi có quá ít nhiếp ảnh gia theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Chị in hàng triệu cuốn lịch và ấn bản sách ảnh phát hành khắp thế giới. Cho đến nay chị vẫn tiếp tục sáng tác ra những bộ ảnh đẹp nhưng vẫn theo phong cách nhất định đó là em bé luôn được hoà hợp với thiên nhiên hoặc sử dụng đạo cụ thiết kế đặc biệt dành riêng cho các bé.
Chụp ảnh newborn cũng giống như nhiều phong cách chụp ảnh khác, luôn luôn đòi hỏi sự thay đổi để có những bức hình chất lượng hơn.

Đến những năm 2000 phong trào chụp ảnh newborn bắt đầu pháttriển mạnh, từ đó đến nay rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng TG được biết đến, họ đã đơn giản hoá hơn từ concept đến đạo cụ chụp ảnh. Họ cũng sáng tạo ra rất nhiều phong cách mới chụp ảnh newborn như “ Simple is the best” ( đơn giản là đẹp nhất - không sử dụng đạo cụ), hoặc style ảnh đời thường ( life style) chủ yếu kể lại câu chuyện về tình yêu bố mẹ dành cho bé, bé được chụp trong một bối cảnh không sắp đặt, hoàn toàn tự nhiên, có thể là chính căn phòng của bé và bé được bố mẹ âu yếm trên tay.

Là một nhiếp ảnh gia chụp newborn, mình luôn cập nhật những phong cách mới bằng cách tham gia nhiều diễn đàn chụp ảnh newborn, đăng ký cập nhật qua email một số những nhiếp ảnh gia nổi tiếng và từ đó chắt lọc cho mình những kiến thức mới để chính bản thân mình không bị tụt hậu.

- Bản thân một nhiếp ảnh gia khi theo đuổi phong cách này thì yếu tố cần và đủ để tạo nên sự khác biệt là gì?

Theo mình yếu tố cần và đủ để tạo nên sự khác biệt chính là:

*Không ngừng học hỏi vì học không bao giờ là đủ.

*Không ngừng sáng tạo, hãy tạo ra ý tưởng thay vì “copy” quá nhiều ý tưởng. Bạn có thể copy nhưng hãy làm mới mẻ nó bằng tư duy của bạn vì mỗi em bé là một cá thể đặc biệt, không giống ai. Khi lên kế hoạch cho một buổi chụp mới mình thường tránh lặp lại ý tưởng mình đã chụp trước đó để tránh sự nhàm chán ( mình cho đó là không copy lại chính sản phẩm của mình )

* Thay vì lấy cảm hứng từ đâu đó thì hãy tự tạo cảm hứng cho mình. Hồi mới bắt đầu chụp ảnh mình hay lên Pinterest xem ảnh và trong đầu muốn chụp lại như vậy, một thời gian sau mình tự thấy khi mình không thể tự tạo cảm hứng cho chính mình thì bức ảnh của mình sẽ na ná như hàng nghìn bức ảnh trên internet. Nên bây giờ mình luôn tự vẽ ra giấy hoặc hình dung trong đầu những concept mới, khi đi đâu đó bất cứ một chi tiết nào hay ho đập vào mắt mình cũng gợi cảm hứng cho mình, mình nghĩ ngay đến việc mình sẽ sử dụng chi tiết đó như thế nào trong concept mới của mình.

*Coi trọng chất lượng hơn số lượng, bạn làm việc ít nhưng sản phẩm đầu ra chỉn chu hoàn hảo hơn là làm công nghiệp kiếm tiền nhanh nhưng bạn sẽ không đủ thời gian để tìm tòi sáng tạo nâng cao chất lượng hình ảnh hơn nữa.
- Để nhìn nhận lại các trào lưu thịnh và suy ở nhiều lĩnh vực nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, theo chị điều gì sẽ khiến trio lưu chụp ảnh newbornđược giữ vững và phát triển?

Nhiếp ảnh newborn là một bộ môn đặc biệt khó có thể có thịnh suy trừ khi bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài như kinh tế đất nước đi xuống hay có chiến tranh, nội chiến…

Hàng ngày mỗi một em bé may mắn được sinh ra trên đời bằng tình yêu của bố mẹ thì nhiếp ảnh newborn là một cách để ghi lại tình yêu ấy, ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên khi bé đến với thế giới này. Với thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhu cầu chia sẻ hay lưu giữ hình ảnh càng cao, tư duy về cái đẹp, sự duy mỹ càng cao thì mình tin rằng trào lưu chụp ảnh newborn sẽ được giữ vững và ngày càng phát triển.

- Cảm ơn nhiếp ảnh gia Jenny Hanh, chúc chị ngày càng thành công trên con đường chị đã chọn! Gặp gỡ nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh cho bé sơ sinh từ... 7 ngày tuổi

Trang Phạm là một cái tên khá nổi tiếng trong cộng đồng nhiếp ảnh thời trang, đặc biệt chị là người có kinh nghiệm và ...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến