Bảo quản đúng cách các loại thực phẩm khô trong gia đình
Các loại thực phẩm khô tuy bổ dưỡng nhưng cng4 tiềm ẩn rất nhiều loại nấm mốc cáo hại cho sức khỏe. |
Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy, hiện đang công tác tại Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM cho biết: "Các loại thực phẩm khô rất dễ bị nấm mốc nếu như không được bảo quản kĩ càng và đúng cách. Trong đó nguy hiểm nhất là độc tố Aflatoxin trong nấm Aspergillus flavus có thể gây ung thư gan và xơ gan". |
Bác sĩ Thủy cũng nhấn mạnh, các loại nấm mốc, vi khuẩn có trong thực phẩm khô sẽ không chết dù chúng ta đã nấu chín và nấu rất kĩ. Việc cạo bỏ các mảng bám của nấm mốc hay phơi thực phẩm dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể loại bỏ được chúng. Tốt nhất là khi thực phẩm đã có dấu hiệu nấm, mốc thì nên vứt bỏ, không nên tiếp tục sử dụng.
Bảo quản thực phẩm khô đúng cách
Nguyên tắc hàng đầu để có thể bảo quản các loại thực phẩm khô được lâu và không bị nấm mốc đó chính là để ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và không có ánh nắng mặt trời. Với một số loại thực phẩm, bạn cũng cần cân nhắc xem nên để ở ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh.
1. Hải sản khô
Sau khi mua các loại tôm, cá, mực khô về, bạn chưa nên cất vội mà hãy phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời từ 2 – 3 tiếng cho thật khô. Sau đó gói kín trong giấy báo rồi cho vào túi nilon buộc chặt. Với các loại hải sản khô, bạn cần bảo quản trong ngăn đá, nhiệt độ thích hợp là – 18 độ C.
Các loại hải sản khô nên để trong ngăn đá của tủ lạnh để có thể giữ được vị thơm ngon lâu hơn. |
Bạn không cần phải quá lo lắng về việc hải sản sẽ bị đông cứng, ngược lại, do thực phẩm khô chứa ít nước cho nên sẽ trở nên dẻo và thơm ngon hơn sau khi để ở ngăn đá. Tuy nhiên, nếu không sử dụng hết trong tháng thì cứ khoảng 3 – 4 tuần thì bạn lại mang chúng ra phơi lại một lần, sau đó lại bảo quản tương tự như trên.
2. Các loại nấm
Để mua được nấm hương ngon, bạn chọn những cây nấm không quá to, mình dày, chân nhỏ, màu nâu đều, sờ vào không có cảm giác ướt tay và có mùi thơm đặc trưng.
Còn nấm mèo (mộc nhĩ) thì bạn cần chọn những cây có tai to, cánh rộng, mặt trên đen và bóng, mặt dưới màu café sữa, không bị mốc.
Nấm hương, nấm mèo và nấm rơm khô có thề bỏ trong túi bóng buộc kín và để ở nơi khô ráo. |
Bảo quản các loại nấm này cũng khá đơn giản, nếu có lọ thủy tinh thì bạn cho vào lọ rồi đậy kín. Còn không thì bạn cho vào túi nilon, buộc chặt, để nơi khô ráo hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. Khi sử dụng, bạn lấy nấm ra ngâm trong nước ấm 10 phút và bắt đầu chế biến như thông thường.
3. Bánh mì
Bánh mì thường được mua về để sử dụng cho bữa ăn sáng hoặc ăn kèm với các món soup. Cũng như nhiều loại thực phẩm được chế biến từ tinh bột khác, nếu để trong tủ lạnh thì bánh mì sẽ bị "sống", khô cứng và ăn không còn ngon miệng. Chính vì thế, bạn chỉ cần bỏ bánh mì vào túi nilon và buộc chặt lại, sau đó sử dụng trong khoảng từ 3 – 5 ngày là tối đa. Để lâu, bánh mì có thể tự lên men hoặc bị mốc, cho dù không có một chút không khí nào.
4. Phô mai
Phô mai cần được bọc trong giấy nến và liên tục để trong ngăn mát tủ lạnh. |
Phô mai sau khi mua về, bạn nên cắt ra thành từng phần có thể sử dụng vừa đủ cho mỗi tuần. Phô mai rất dễ tan chảy cho nên bạn cần phải liên tục bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Bạn nên bọc phô mai bằng giấy nến thay vì dùng màng bọc thực phẩm. Bởi vì nếu dùng màng bọc thực phẩm thì phô mai rất dễ bị bí hơi, mùi vị sử dụng sẽ không còn được thơm ngon như lúc mới mua về.
5. Ngũ cốc
Các loại hạt, ngũ cốc có thể bảo quản đến vài tháng. Và để sử dụng được lâu mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng thì bạn cần đựng chúng trong những lọ thủy tinh, đậy nắp kín hoặc cho vào các túi nilon buộc chặt lại. Sau đó để vào những nơi khô ráo, thoáng mát hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh.
6. Lạp xưởng
Loại lạp xưởng chất lượng, thơm ngon thường có vỏ ngoài khô ráo, thịt mịn, không bị mốc và sờ vào không có cảm giác dính tay. Dùng tay ấn nhẹ vào thân lạp xưởng sẽ có cảm giác chắc, đàn hồi, nhân và lớp vỏ ngoài ắn chặt vào nhau.
Lạp xưởng không nên bảo quản trong tủ lạnh mà chỉ cần bỏ vào hộp nhựa và có đặt ly rượu trắng ở giữa. |
Để giữ được lạp xưởng lâu, bạn không nên cho vào tủ lạnh. Thay vào đó, bạn chỉ cần bỏ vào trong một hộp khô ráo, sạch sẽ, sau đó đặt một ly rượu trắng ở giữa. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ngừa được ruồi muỗi, sâu bọ. Còn hơi nước từ rượu sẽ giúp lạp xưởng luôn giữ được độ ẩm và không hề khô cứng lớp vỏ ngoài.
7. Măng khô
Khi lựa chọn măng khô, bạn cần chú ý tới màu sắc. Loại măng khô ngon sẽ có màu vàng đất nhạt, mùi thơm đặc trưng. Thịt măng dày, khi sờ vào thì không có cảm giác ẩm tay. Bạn nên chọn những cây măng đều màu nhau, đốt măng ngắn vừa, có phần ngọn dài hơn phần gốc. Nếu là măng mua ở siêu thị thì cần chú ý đến nhãn mác và hạn sử dụng.
Măng khô nên buộc kín trong túi nilon rồi để nơi khô thoáng hoặc ngăn mát tủ lạnh. |
Để bảo quản măng khô được lâu mà vẫn giữ nguyên mùi vị, bạn cần cho măng vào túi nilon dày và buộc kín. Sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc để ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Với những cây măng vừa luộc xong thì bạn cần sử dụng liền, có thể để trong ngăn mát từ 2 – 3 ngày.
8. Các loại gia vị
Với các loại gia vị như hành, tỏi, gừng… sau khi mua về, bạn không nên bỏ vào túi nilon mà chỉ cần bỏ vào một chiếc rá nhỏ khô ráo hoặc túi giấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho chúng vào ngăn mát tủ lạnh và sử dụng dần như những thực phẩm khác.
Thực phẩm khô cũng rất giàu dinh dưỡng Các loại hải sản như tôm, cá, mực khi làm khô sẽ bị giảm sút đi các vitamin A, D, E. Tuy nhiên hàm lượng đường, chất béo, axit sẽ không bị suy giảm, thậm chí còn dồi dào hơn khi còn tươi sống, bởi vì bị cô đặc và lượng nước đã bốc hơi hết. Với các loại rau quả khô thì lượng calorie sẽ rất cao, cao gấp 3 - 5 lần so với các loại hoa quả tươi ban đầu. Các vitamin tuy có phần giảm sút, nhưng các chất như canxi, natri, sắt và magiê, cũng như cellulose và pectin... sẽ vẫn được giữ nguyên. Vì thế, việc thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm khô cũng sẽ góp phần cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. |
Trần Hiếu
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét