Cô chủ nhiệm chia sẻ về học trò 27,35 điểm 'trượt' Học viện Quân y vì... không có hồ sơ

Nghe tin học sinh giỏi của mình đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia nhưng lại trượt Học viện Quân y, giáo viên chủ nhiệm của Nguyễn Viết Kiên khá bất ngờ.

Sau khi biết chuyện em Nguyễn Viết Kiên, cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT Mỹ Đức A (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) không nằm trong danh sách xét nguyện vọng tuyển vào Học viện Quân y, mặc dù tổng điểm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đạt 27,35 điểm (môn Toán: 8,60; Hóa: 9,25; Sinh: 9,00; điểm vùng: 0,5), giáo viên chủ nhiệm, bạn bè và người thân luôn có những lời động viên kịp thời, giúp em trải qua thời điểm khó khăn này.

co chu nhiem chia se ve hoc tro 2735 diem truot hoc vien quan y vi khong co ho so
Sau khi trượt học viện Quân Y, những người thân luôn đến động viên tinh thần của Kiên. (Ảnh: Phan Quân)

Cô Phùng Thị Hường (GVCN lớp 12A1, trường THPT Mỹ Đức A) kể: "Sau khi biết chuyện em Kiên thì được 27,35 điểm nhưng không có hồ sơ xét tuyển vào Học viện Quân y, tôi cũng đã có lời khuyên em bình tĩnh để vượt qua nỗi buồn, nếu không vào được trường đã chọn thì nên tìm một trường khác phù hợp với em".

Là giáo viên chủ nhiệm lớp "top 1" của trường THPT Mỹ Đức A, cô Phùng Thị Hường vui mừng chia sẻ, điểm thi của lớp 12A1 năm nay rất tốt, khoảng hơn 90% học sinh trong lớp có thành tích trên 20 điểm, em Nguyễn Viết Kiên là một trong những học sinh có điểm cao của lớp. Không những là một học sinh thông minh, em Nguyễn Viết Kiên còn là học sinh hoà đồng, được giáo viên và bạn bè yêu quý.

co chu nhiem chia se ve hoc tro 2735 diem truot hoc vien quan y vi khong co ho so
Hàng chục tờ giấy khen mà Kiên nhận được trong 12 năm học. (Ảnh: Phan Quân)

Để đạt được những thành tích tốt trong việc học tập, cũng như được nhiều giấy khen trong các kỳ thi từ cấp trường đến thành phố, em Nguyễn Viết Kiên không ngần ngại chia sẻ phương pháp học tập của minh.

Kiên chia sẻ việc học thêm dường như là điều hạn chế nhất, ngoài môn Sinh phải ôn thi trên trường do em chưa có đủ tự tin, còn các môn học khác em vẫn tự học ở nhà và tìm cách giải đề qua mạng.

Sẵn có niềm yêu thích nghề bác sĩ, cũng như phấn đấu vào trường hệ quân sự để giúp cha mẹ đỡ gánh nặng về kinh tế khi chỉ 2 năm nữa, em gái của Kiên cũng hết cấp 3. Dẫu biết con đường bước đến cánh cửa Học viện Quân y còn đang gặp nhiều khó khăn nhưng chàng trai trẻ vẫn luôn nuôi mơ ước trở thành một người lính quân y cho dù có vất vả đến đâu.

co chu nhiem chia se ve hoc tro 2735 diem truot hoc vien quan y vi khong co ho so
Góc học tập của em Nguyễn Viết Kiên. (Ảnh: Phan Quân)

Ông Đỗ Văn Thịnh (78 tuổi) là ông ngoại của em Nguyễn Viết Kiên trong những ngày qua luôn có mặt để động viên cháu của mình. Ông Thịnh chia sẻ: "Tôi là một cựu chiến binh, các ông và bác của cháu cũng nhiều người là bộ đội, chắc vì thế cháu có quyết tâm trở thành một bác sĩ quân y.

Tán thành với lựa chọn của cháu, đích thân tôi đã đi làm hồ sơ cho cháu dự thi, khi cháu đạt điểm cao nhưng lại không có thông báo xét tuyển vào trường Học viện Quân y tôi cũng rất lo lắng. Mong rằng trường hợp của cháu sẽ được xem xét...".

Theo thông tin từ gia đình cung cấp, trong buổi sáng 21/7, cán bộ của Ban chỉ huy Quân sự huyện Mỹ Đức cũng đã đến nhà làm việc và đọc biên bản do Bộ Tư lệnh Thủ đô đã về huyện kiểm tra. Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy mắt của cháu không đủ tiêu chuẩn để làm hồ sơ thi vào trường quân đội (trong giấy khám sức khoẻ có ghi một mắt của em Kiên cận 5 đi ốp, một mắt lại chỉ bị cận 0,75 đi ốp).

Tuy nhiên gia đình đã không đồng tình và cho rằng khi khám sức khoẻ em Kiên, nếu không đủ điều kiện thì Ban chỉ huy Quân sự huyện Mỹ Đức phải có thông báo ngay cho thí sinh. Nhưng trường hợp của em Kiên vẫn không nhận được thông báo nào từ Ban chỉ huy Quân sự huyện Mỹ Đức. Cho đến khi có kết quả thi tốt nghiệp, em lên hỏi thì mới biết... hồ sơ không được chuyển đi.

Theo gia đình em Kiên, sau khi lên tiếng không đồng tình về cách làm này của cơ quan tuyển sinh, sắp tới, em sẽ được các bên liên quan công tác tuyển sinh đưa đi khám lại để khách quan hơn trong việc xác định em có cận hay không.

Phan Quân

Theo Đời sống & Pháp lý


Nhận xét

Bài đăng phổ biến