Tín hiệu vui về một cuộc cạnh tranh lành mạnh

Giữa những thông tin về giao thông, vận tải trong vài ngày vừa qua, tôi ấn tượng đặc biệt khi đọc thông tin khuyến mại của các hãng tặng mã giảm giá Uber, mã khuyến mại Grarb


Theo thông tin trên trang Facebook của hãng taxi Group Hà Nội, chương trình khuyến mãi của họ được chia thành các "mã". Trước khi được khuyến mãi, khách hàng phải đăng ký tài khoản qua phần mềm của hãng, được cấp mã số.

Nếu trong tài khoản của khách hàng có số tiền tích lũy ở mức 250 nghìn đồng sẽ được tặng thêm 1 mã có giá trị 25 nghìn đồng. Và cứ như vậy, mức khuyến mãi được lũy tiến theo cấp số cao hơn. Khi nào tài khoản tích lũy số tiền lên đến 1 triệu đồng, sẽ được tặng 10 mã khuyến mãi.

Cách khuyến mãi này mang tính chiến lược, thu hút khách hàng mới và ràng buộc họ, biến họ vốn đang là khách hàng tự do thành khách hàng truyền thống của mình.

Trước taxi Group, các hãng taxi khi mới ra đời, muốn lôi kéo khách hàng, gây sự chú ý đặc biệt thường tung ra các chiêu trò khuyến mãi, giảm giá bằng cách trừ trực tiếp vào giá cước.

Có hãng cầu kỳ hơn thì khuyến mãi tính theo số kilômét đi, càng đi nhiều, khách càng được tính giá rẻ.

Nhưng lần này, taxi Group đã làm khác. Vấn đề đặt ra là tại sao một hãng được coi là "quyền lực", phục vụ cho đối tượng "sang chảnh" mà lại chấp nhận "hạ mình" giảm giá? Có phải vì taxi Group đang lâm vào khó khăn do thiếu khách?

Xâu chuỗi lại sự việc mới thấy, những năm gần đây, thị trường vận chuyển hành khách xuất hiện hàng loạt các loại dịch vụ mới, văn minh, hiện đại, trong đó nổi lên mạnh mẽ nhất là sự ra đời của dịch vụ ubergrab taxi. Chỉ sau thời gian ngắn xuất hiện, 2 hãng này đã khiến các hãng taxi truyền thống không khỏi giật mình.

Với sự tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, thái độ phục vụ văn minh, tận tình, chu đáo, uber và grab như một thế lực mới đang phả hơi nóng cực mạnh vào gáy những hãng taxi vốn đang quen với cách hoạt động bằng bộ đàm, đeo mào, tính cước trên đồng hồ.

Không để bị lấn át, hiệp hội taxi đã ngồi lại với nhau và đưa ra cách làm quá cũ, đó là đề nghị cơ quan chức năng "loại bỏ" uber và grab ra khỏi cuộc chơi. Lý do của liên minh này đưa ra đương nhiên cũng có những chi tiết có lý, song, điều dễ nhìn thấy nhất đó là biểu hiện thiếu sòng phẳng, lành mạnh.

Ai cũng nhìn ra, nếu Uber và Grab bị cấm hoạt động, người thiệt thòi nhất, chính là những khách hàng, vì họ không được sử dụng dịch vụ giá rẻ, bị cắt đi mất một sự lựa chọn tiện lợi.

Mới đây nhất, ở lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hàng không, người ta vẫn giật mình ngã ngửa khi nghe tin 2 hãng hàng không đầy quyền lực Vietnam Airline và Jetstar Pacific đưa ra đề xuất áp dụng giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Đáng chú ý là, chính Jetstar Pacific đang được coi là hãng hàng không giá rẻ.

Vậy không hiểu tại sao, đã kinh doanh giá rẻ, họ lại đề xuất áp giá sàn đối với vé nội địa? Những tưởng, đã nhắm vào đối tượng khách hàng bình dân, hãng phải luôn lấy việc giảm giá thành làm mục tiêu cạnh tranh chứ nhỉ?

Đây quả là một đề xuất có phần "ngược đời", khó hiểu. Còn đối với Vietnam Airlines, hãng này mạnh dạn, táo bạo hơn khi đưa ra mức giá sàn cho 1 lượt vé nội địa là 1,54 triệu.

Nhìn vào giá vé này có thể thấy, nó cao hơn hầu hết các giá trung bình khác của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, đơn vị đang vươn lên mạnh mẽ ở phân khúc phục vụ khách hàng thu nhập trung bình.

Đề xuất của 2 hãng hàng không kia gần như một cú đấm trực diện vào khẩu hiệu "hàng không giá rẻ" mà đông đảo người dân vừa mới hí hửng được thụ hưởng, giờ đang hoảng hốt khi đứng trước nguy cơ bị tước đoạt.

Không chỉ là gáo nước lạnh dội vào hành khách, đề xuất trên như thể là một cú đánh trực diện vào Vietjet, hãng đến nay vẫn đang cương quyết phản đối việc áp giá vé sàn.

Nếu đề xuất được chấp thuận, họ sẽ phải thay đổi phương án kinh doanh, phải đi theo guồng quay mà các đối thủ đã định sẵn, chấp nhận tham gia một cuộc cạnh tranh không lành mạnh, sặc mùi độc quyền và cậy thế "người nhà"!?!

Không chỉ có các "ông lớn", ở lãnh địa nhỏ bé của mình, hoạt động của giới "xe ôm" cũng thấp thoáng những cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh, mang hơi hướng của cách hành xử "lấy thịt đè người".

Ở các khu vực bến tàu, bến xe, các điểm dịch vụ công cộng, có một luật gần như "bất thành văn", đó là, chỉ thấy xuất hiện bóng dáng của xe ôm truyền thống. Không có hiệp hội, không đưa ra những tuyên bố chính thức, nhưng, họ đang liên minh nhau lại để o ép, cấm đoán sự có mặt của grab bike. Họ hằn học ra mặt khi thấy bóng dáng những chiếc xe grab bike xuất hiện.

Cũng dễ hiểu, bởi, từ khi có Grab bike, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, được phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn giá thành lại rẻ, minh bạch hơn nhiều.

Khi đi xe ôm truyền thống, nếu khách lạ, rất có thể sẽ bị các bác tài dẫn đi vòng vèo, nói thách giá trên trời, hoặc kì kèo đòi thêm tiền cước. Thậm chí, đến những khu vực vắng người, vào giờ khuya, nhiều khách hàng còn bị đe dọa, trấn lột, đánh đập nếu không chịu chi thêm tiền. Điều này hiếm thấy ở Grab bike.

Chính vì thế, cánh xe ôm truyền thống coi Grab bike không chỉ là đối thủ cạnh tranh, mà như cái "gai" trong mắt. Họ tìm mọi cách để loại bỏ, hạ bệ đối thủ, đồng nghĩa với việc kìm hãm, loại bỏ sự phát triển của loại hình dịch vụ văn minh, lịch sự, an toàn, hiệu quả hơn so với mình. Đây là sự cạnh tranh mang mùi "xã hội", cần được loại bỏ trong xã hội văn minh.

Trước những động thái "xấu xí" trong các cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh của dịch vụ vận chuyển hành khách, mới thấy rằng, việc taxi Group thực hiện chương trình khuyến mãi quy mô lớn là một tín hiệu vui với đông đảo hành khách.

Việc họ "hạ mình", lấy khách hàng là mục tiêu hướng tới đã chứng tỏ một quy luật không thể chối cãi của thị trường, đó là: Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Không thể tồn tại mãi lối tư duy của kinh doanh độc quyền, dựa dẫm, dùng thủ đoạn thiếu trong sạch để phát triển. Đây đang và sẽ là thời kỳ của những hành xử văn minh, cạnh tranh lành mạnh, thời của công nghệ, minh bạch.

Để phát triển, không có cách nào khác là các ông chủ ngành dịch vụ phải hòa chung vào dòng chảy ấy để đi tắt đón đầu, cập nhật công nghệ, đề ra các chiến lược dài hơi nhằm làm hài lòng khách.

Chính khách hàng sẽ là người quyết định cuối cùng sự tồn vong của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Và đương nhiên, tôi tin rằng, chẳng khách hàng nào cổ súy cho lối kinh doanh độc quyền, lạc hậu, cách hành xử cửa quyền, hống hách, thiếu tôn trọng người nuôi sống mình!

Chiến Văn
Theo Đời sống & Pháp lý

Nhận xét

Bài đăng phổ biến