Tuyển sinh 2017: Nhiều tổ hợp mới khiến học sinh... rối
Nhiều học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 bày tỏ lo lắng vì nhiều điểm mới trong kỳ thi năm nay. Ảnh: Hải Hà |
"Phong phú" tổ hợp
So với năm 2016, một trong những điểm mới đáng chú ý trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH năm nay là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
Trường ĐH Ngoại thương bổ sung thêm tổ hợp môn thi D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành Ngôn ngữ) để tạo thêm cơ hội cho thí sinh. ĐH Ngoại thương còn mở thêm ngành mới Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản với 50 chỉ tiêu.
ĐH Luật TP Hồ Chí Minh bên cạnh các tổ hợp truyền thống cũng sẽ xét thêm nhiều tổ hợp mới. Đáng lưu ý, nhà trường đưa môn Giáo dục công dân vào trong tổ hợp xét tuyển mới. Các tổ hợp mới là Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ; Ngữ văn, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ; Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ...
Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ xét thêm tổ hợp mới. Tổ hợp Toán, Tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên được xét bổ sung cho tất cả các ngành khối kỹ thuật công nghệ. Còn tổ hợp Toán, Tiếng Anh, Khoa học Xã hội được bổ sung cho các ngành khối Kinh tế và Ngoại ngữ. Ngoài ra, trường xét thêm tổ hợp Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lý cho ngành Ngôn ngữ Anh.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển thêm tổ hợp môn mới là Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên cho các ngành Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành, Công nghệ vật liệu, Công nghệ may.
Học viện Ngân hàng cũng có thêm ngành mới là Luật Kinh tế và chuyên ngành Khởi sự kinh doanh (nằm trong ngành Quản trị kinh doanh). Trong đó, trường có xét tuyển 2 tổ hợp mới so với năm ngoái là Toán, Sử, Anh và Văn, Sử, Địa. Đáng lưu ý, các trường khối Công an không sử dụng tổ hợp môn thi khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) để xét tuyển vào bất kỳ ngành nào, trong khi đó một số ngành sẽ bổ sung thêm tổ hợp mới C3 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử). Các tổ hợp khác vẫn được giữ nguyên là D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) và A0 (Toán, Vật lý, Hóa học).
Thí sinh "rối"
Nhiều chuyên gia tuyển sinh đặc biệt lưu ý việc mở ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển có thể giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn, qua đó nhà trường sẽ tuyển được đủ chỉ tiêu mong muốn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của quá nhiều nhóm môn sẽ khiến cho học sinh "rối".
Vấn đề này cũng đang là nỗi băn khoăn, lo lắng của hầu hết thí sinh.
Em Đỗ Đức Tùng Lâm, học sinh lớp 12 chuyên Nga, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) chia sẻ: Em dự định đăng ký dự thi 2 tổ hợp là Toán, Anh, Lý và Toán, Lý, Hóa vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Công Nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Lâm cho biết, năm nay, nhiều trường không xét tuyển khối C truyền thống mà thêm nhiều tổ hợp mới, đây thực sự là khó khăn với các bạn học ban xã hội như em vì chúng em đã theo phân ban từ lớp 10. Đó là chưa kể, nhiều tổ hợp mới khiến học sinh chúng em rất "rối", riêng việc nhìn các tổ hợp môn trên trang web của các trường cũng đã khiến em "hoa mắt chóng mặt".
Chung lo lắng, em Nguyễn Thị Hải Yến, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Phú Xuyên B (Hà Nội) cho biết: Bộ thay đổi cách thức thi, cách thức tuyển sinh khiến em lo lắng. Em chỉ thi khối A1 là Toán, Lý, Anh để đăng ký xét tuyển vào 2 trường ĐH Kinh tế Quôc dân và ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhưng e thấy sợ vì tổ hợp tự nhiên phải thi cả Hóa, Sinh nữa. Toán đã đổi sang trắc nghiệm, kiến thức sẽ rộng hơn so với thi tự luận, trong khi từ lớp 10 em đã ôn theo kiểu bộ bài tự luận.
Hải Yến cũng cho biết, để tăng cơ hội đỗ ĐH, em và nhiều bạn trong lớp đã chọn thi cả 2 bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, nhưng việc nhiều trường ĐH đưa ra quá nhiều tổ hợp môn mới, lại khiến chúng em cảm thấy "rối rắm". Vì vậy, đến nay trong lớp em chỉ còn 1 - 2 bạn chọn thi cả 2 bài thi mà thôi.
Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT lưu ý: Một ngành càng nhiều tổ hợp xét tuyển thì càng có lợi cho thí sinh. Các em lựa chọn vào ngành nào thì phải biết họ sử dụng tổ hợp gì để đăng ký cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý, những em học sinh giỏi có thể chọn 2 tổ hợp, còn không chỉ nên chọn 1 vì không sẽ đủ sức học, mà bị điểm liệt thì coi như... "chết".
TS Tâm lý Phạm Mạnh Hà (giảng viên Học viện Thanh thiếu niên) đồng tình với việc nhiều tổ hợp sẽ tăng cơ hội xét tuyển. Nếu thí sinh chọn dàn trải sẽ không phân bố được thời gian ôn tập. Vì thế, nên tập trung vào những khối truyền thống là an toàn nhất. Trong trường hợp khối truyền thống điểm tốt rồi, mà điểm tổ hợp kia cũng cao thì mình lấy làm lựa chọn thứ hai.
Hải Hà
Theo Thanh Tra
Nhận xét
Đăng nhận xét